Lấy tủy răng và các vấn đề ai cũng nên biết
Tủy răng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của răng. Nhưng với nhiều nguyên nhân khác nhau khiến tủy răng bị tổn hại dẫn đến việc phải lấy tủy răng. Vậy lấy tủy là gì và có đau không? Lấy tủy diễn ra như thế nào? Bài viết sẽ nhanh chóng cho bạn câu trả lời. Hãy cùng xem ngay nhé.
Lấy tủy răng là gì? Có đau không?
Tủy răng là phần nằm trong lõi răng (hốc giữa ngà răng) có chức năng cung cấp chất dinh dưỡng nuôi răng và men răng khỏe mạnh. Xung quanh tủy răng có rất nhiều dây thần kinh bao bọc và dẫn truyền giúp răng cảm nhận các kích thích bên ngoài. Tủy răng gồm có: buồng tủy và ống tủy với nhiều sợ mô nhỏ, mảnh được phân nhánh từ buồng tủy.
Lấy tủy răng là quá trình loại bỏ và làm sạch phần tủy răng bị viêm nhiễm ra khỏi cấu trúc răng. Sau khi tủy răng được lấy, phần tủy lấy đi sẽ được lấp kín bằng một loại vật liệu có tính tương hợp sinh học với cơ thể, phía trên được trám bằng các vật liệu như: composite, cement nha khoa.
Sợ đau luôn là tâm lý chung của những người bệnh cần tiến hành lấy tủy răng, Tuy nhiên, quá trình này thực chất không gây quá nhiều đau đớn. Các bác sĩ-nha sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ tại răng cần lấy tủy. Sau khi hoàn tất, bạn có thể bị ê nhẹ và nhanh chóng hết khó chịu bởi tủy răng đã bị loại bỏ, răng bị tách khỏi các dây thần kinh cảm giác nên không còn cảm thấy đau nhức.
Tại sao nên lấy tủy ở răng?
Tuy tủy răng nằm sâu bên trong và được bảo vệ bởi lớp ngà sứ, nhưng với nhiều nguyên nhân tác động, tủy răng vẫn bị ảnh hưởng, tổn thương và không còn đủ khả năng nuôi dưỡng cho răng. Lúc này, chúng ta cần tìm đến các cơ sở nha khoa để lấy tủy răng. Dưới đây là một số trường hợp bạn cần nhanh chóng loại bỏ tủy răng để đảm bảo sức khỏe răng miệng:
- Tình trạng sâu răng kéo dài, vi khuẩn bắt đầu ăn sâu đến tủy răng và không thể phục hồi. Người bệnh luôn thấy đau nhức khi có thức ăn hay nước lọt vào các lỗ sâu.
- Răng bị va chạm lực mạnh dẫn đến sứt mẻ, lộ hẳn tủy răng.
- Răng xuất hiện các cơn đau dai dẳng, đau lan đến thái dương khiến người bệnh thấy mệt mỏi, khó chịu, nhất là vào ban đêm. Sau đó, cơn đau tự hết do tủy răng đã chết và bắt đầu hoại tử dẫn đến viêm nhiễm bên trong gây nên các biến chứng khó lường, đau đớn hơn trước.
- Hình thành các ổ mủ xung quanh vùng chân răng, tái đi tái lại nhiều lần gây viêm nhiễm, sưng đau, áp-xe răng và toàn bộ khoang miệng.
Nếu bạn có những dấu hiệu trên, cần đến ngay phòng khám để được chữa trị và lấy tủy. Bởi đó là dấu hiệu cảnh báo tủy răng của bạn đang gặp vấn đề và sức khỏe răng miệng cần được bảo vệ.
Quy trình lấy tủy răng
Thông thường, quy trình lấy tủy răng tiêu chuẩn sẽ được tiến hành qua 4 bước như sau:
- Bước 1: Thăm khám và chụp X-quang nhằm xác định tình trạng tủy răng và cấu trúc răng để đưa ra phương pháp phù hợp. Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ tư vấn cụ thể về quá trình lấy tủy, giá thành, cách chăm sóc răng sau lấy tủy,..
- Bước 2: Bắt đầu gây tê với liều lượng thích hợp để đảm bảo đủ tê trong suốt quá trình lấy tủy, giúp người bệnh không thấy đau đớn.
- Bước 3: Khoan lỗ nhỏ vào răng và mở ống tủy, dùng dụng cụ hút sạch tủy. Sau đó, bác sĩ sẽ làm sạch ống tủy, các ổ mủ nếu có. Chụp X-quang lại để xác định tủy răng đã được loại bỏ hoàn toàn hay chưa trước khi tiến hành trám bít ống tủy.
- Bước 4: các vật liệu hàn trám chuyên dụng trong nha khoa sẽ được đưa vào để lấp khoảng trống của ống tủy, ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập gây hại cho cấu trúc bên trong của răng và hàm.
Lấy tủy răng là quá trình đòi hỏi độ chính xác cao và có kỹ thuật tốt. Do đó, bạn cần tìm đến các cơ sở nha khoa uy tín, có đội ngũ nhân viên lành nghề để nhận được sự điều trị tốt nhất.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý:
- Sau lấy tủy 4-5 ngày nếu vẫn bị đau kéo dài cần thăm khám ngay.
- Răng sau khi lấy tủy sẽ mất cấu trúc nuôi dưỡng, do đó nguy cơ nứt vỡ rất cao. Vì vậy, nha sĩ thường khuyên bọc răng sứ để kéo dài tuổi thọ của răng.
Lấy tủy răng là một trong những phương pháp nha khoa nhằm cải thiện sức khỏe răng miệng và không gây đau đớn cho người cần lấy tủy. Do đó, người bệnh cần tránh tâm lý lo sợ và nên phối hợp với nha sĩ để tiến hành lấy tủy trong trường hợp cần thiết để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình.